[ad_1]
Trước tình trạng vi phạm xây dựng gia tăng, lãnh đạo TP HCM yêu cầu các sở, ngành, địa phương siết chặt quản lý; ngăn chặn, cưỡng chế ngay từ đầu công trình vi phạm; xử lý nghiêm cán bộ, công chức tiếp tay, ngó lơ cho vi phạm
Sáng 30-7, UBND TP HCM đã tổ chức hội nghị xây dựng đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang; Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cùng đại diện các sở, ban, ngành và UBND 24 quận, huyện.
“Buông” chứ không phải không biết !
Mở đầu hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nói ngay vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP là vấn đề nhức nhối. Do đó, nếu giải quyết tốt việc lập lại trật tự xây dựng, không chỉ góp phần để TP HCM phát triển tốt hơn, đẹp hơn, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao hơn theo đúng quy hoạch phát triển mà còn góp phần bảo đảm an ninh, trật tự.
Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, thừa nhận tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp, nhất là các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Trong năm 2017- 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TP có 6.825 công trình vi phạm.
Theo ông Kiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó một phần do quản lý không chặt chẽ từ chính quyền địa phương; công chức được phân công quản lý địa bàn chưa làm hết trách nhiệm, chậm phát hiện, đề xuất xử lý không kiên quyết, không triệt để. Ngoài ra, không loại trừ yếu tố tiêu cực liên quan đến công chức, nhân viên thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.
Lắng nghe trình bày, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn TP đang diễn biến ngày càng phức tạp. Trung bình, số vụ vi phạm về trật tự xây dựng trong năm 2018 là 6,6 vụ/ngày; năm 2017 là 7,5 vụ/ngày; 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày… Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn hàng loạt ví dụ để chứng minh có tình trạng cán bộ “buông” để công trình không phép mọc lên.
Đầu tiên là một hộ dân ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh đăng ký xây dựng nhà 2 tầng, diện tích 168 m2 nhưng chủ đầu tư thay đổi kiến trúc, chia thành 125 căn nhà với diện tích hơn 1.180 m2. Một trường hợp khác cũng ở Bình Chánh, giấy phép xây dựng năm 2015 xin xây 3 căn nhưng đến năm 2017 thành 19 căn. Rồi một công ty hợp khối công trình nhà ở thành chung cư với hơn 200 hộ dân – 645 nhân khẩu. “Một người làm cả chung cư cho hàng trăm hộ dân ở thì rõ ràng là chúng ta buông chứ không phải không biết!” – Bí thư Thành ủy TP HCM phê bình.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các sở ngành, quận huyện tăng cường các biện pháp quản lý về trật tự xây dựngẢnh: VIỆT DŨNG
Một dự án ở quận 7 xây dựng 111 biệt thự trái phép khi chưa xong các thủ tục pháp lýẢnh: Lê Phong
Cắt ngay điện, nước
Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều quận, huyện của TP HCM trình bày nguyên nhân xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp để từng bước ngăn chặn tình trạng này.
Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, nhìn nhận còn hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, nhất là ở cấp cơ sở. Theo ông Lữ, qua thanh tra, huyện đã xử lý 48 cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra vi phạm trong việc chậm cưỡng chế công trình vi phạm, lập hồ sơ xử lý vi phạm, lập hồ sơ xử lý người sử dụng đất… Huyện cũng củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều ra đối với 5 trường hợp tái vi phạm. Để ngăn chặn tình trạng này, ông Lữ đề xuất UBND TP nghiên cứu, bổ sung thêm quy định cắt điện, nước đối với công trình vi phạm xây dựng.
Trong khi đó, ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9, đề nghị TP cần phải mạnh tay xử lý nghiêm minh ngay từ đầu đối với các công trình vi phạm xây dựng; đồng thời xử lý hình sự các đầu nậu cố tình vi phạm về trật tự xây dựng. Sở Xây dựng TP cũng đưa ra kiến nghị các đơn vị liên quan không cấp số nhà, không cung cấp dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác đối với công trình vi phạm về đất đai, quy hoạch, xây dựng mà chưa chấp hành các quyết định…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang góp ý và yêu cầu có biện pháp mạnh tay hơn để hạn chế tình trạng xây dựng trái phép và không phép. Riêng đề xuất cắt điện, nước, ông Trần Lưu Quang nói: “Để lắp đặt đường điện, nước, người dân cần làm các thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú. Theo quy định hiện hành, cơ quan chức năng có đủ cơ sở để cắt điện, nước đối với các hộ xây dựng trái phép, sai phép không chịu tháo dỡ”.
Xử nghiêm cán bộ vi phạm
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; cần phát hiện sớm, xử lý nhanh, ngăn chặn từ đầu những hành vi vi phạm. Trước mắt, cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu để xảy ra tình trạng vi phạm; đồng thời, tổ chức cưỡng chế ngay những công trình vi phạm xây dựng không phép, trái phép.
Bí thư Thành ủy TP HCM đã đưa ra một số đầu việc, yêu cầu các đơn vị thực hiện từ nay đến tháng 6-2020. Đó là công trình xây dựng không phép, sai phép phải được xử lý ngay chứ không thể kéo dài. “TP HCM có hơn 1.200 thanh tra xây dựng không thể lúc nào cũng có mặt 24/24 giờ nhưng dân thì có thể vì chỗ nào cũng có dân ở. Nếu dân đồng thuận sẽ phát hiện và xử lý ngay thông qua người dân, lực lượng chuyên trách, nhất là công an khu vực” – Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Đối với cán bộ, công chức, đảng viên, Bí thư Thành ủy TP HCM yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ; không được làm trái pháp luật, vì lợi ích cá nhân mà ngó lơ, bắt tay với các đối tượng bên ngoài để cho phép xây dựng công trình sai phép, trái phép. Cán bộ, công chức nào làm sai sẽ bị xử lý về mặt chính quyền, về mặt Đảng. Ngoài ra, nếu tình trạng xây dựng trái phép còn tiếp diễn, người đứng đầu địa phương và các sở, ngành phải chịu trách nhiệm. Trong thời gian tới, cần sắp xếp lại lực lượng tham gia giám sát, xử lý vi phạm xây dựng để có một lực lượng đủ mạnh; phối hợp các lực lượng để phản ứng kịp thời trước những vi phạm về trật tự xây dựng ngày càng tinh vi của các đối tượng vi phạm.
Xử lý hình sự, không để đầu nậu trục lợi
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các địa phương chấn chỉnh ngay công tác xây dựng trong thời gian tới với phương châm: “Phát hiện sớm, xử lý nhanh, ngăn chặn từ đầu, không để xây dựng sai phạm hoàn thành”.
Theo đó, UBND các huyện – quận, xã – phường – thị trấn tổng rà soát, đánh giá tình hình xây dựng trên địa bàn và chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người đứng đầu trong việc để xảy ra các sai phạm về xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch. Sở Tư pháp chủ trì, nghiên cứu biện pháp, giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự xây dựng, như: Không cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng; chưa cho xuất cảnh đối với các cá nhân, đại diện theo pháp luật của các tổ chức khi đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; xử lý hình sự đối với các vi phạm về trật tự xây dựng; các giải pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản của đối tượng vi phạm.
Công an TP khẩn trương xác minh, xử lý hình sự đối với các đối tượng vi phạm nhiều lần, mức độ vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, tự ý phân lô bán nền để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến quy hoạch chung, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Trên 300 cán bộ thanh tra xây dựng bị kỷ luật
Theo Ban Nội chính Thành ủy TP HCM, thời gian qua, vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn TP xảy ra rất nhiều ở các địa phương cả về số lượng, lẫn mức độ. Những năm gần đây, đã có trên 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc. Trong số này, chỉ có 1 người bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ và bị xử 1 năm tù.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM cũng đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 5 tổ chức Đảng và 6 đảng viên (tại Đảng bộ quận Thủ Đức và Đảng bộ huyện Bình Chánh) trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng. Qua kiểm tra đã phát hiện còn có tổ chức Đảng và nhiều đảng viên, công chức vi phạm, có nhiều trường hợp vi phạm phải đến mức thi hành kỷ luật.
BestLand